6 Quy Tắc Áp Mã HS - Quy tắc tổng quát phân loại hàng hóa
6 quy tắc áp mã HS sẽ giúp ích rất nhiều cho việc làm thủ tục hải quan, giúp quá trình thông quan trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
6 Quy tắc áp mã HS có thể hiểu là gì?
Tên đầy đủ là: Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá (HS) của Tổ chức Hải quan thế giới. Các quy tắc này được quy định trong Thông tư 103/2015/TT-BTC.
Trong phần đầu của cuốn Biểu thuế suất xuất nhập khẩu in hàng năm cũng thường có chi tiết về 6 quy tắc này để người dùng tiện tham khảo.
Trước hết, bạn có thể xem sơ đồ áp dụng 6 nguyên tắc này.
Khi phân loại 1 mặt hàng, sẽ áp dụng lần lượt từ quy tắc nhỏ nhất trước, nếu không được thì áp dụng quy tắc tiếp theo, số thứ tự tăng dần lên. Bất cứ khi nào có quy tắc phù hợp, thì dừng lại, không xét tiếp những quy tắc tiếp theo nữa.
Dưới đây là chi tiết từng quy tắc, kèm theo giải thích và ví dụ minh họa.
Quy tắc áp mã HS 1
"Tên cuả các Phần, của Chương hoặc của Phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu. Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chú giải của các Phần, Chương liên quan và theo các qui tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các Chú giải đó không có yêu cầu nào khác."
Nội dung của quy tắc này có mấy ý quan trọng:
Tên của các Phần, Chương, Phân chương chỉ mang tính định hướng khái quát, chứ chưa đủ để phân loại hàng hóa (xác định mã HS).
Các yếu tố quan trọng để phân loại:
2.1 Nội dung cụ thể từng nhóm
2.2 Các chú giải (giải thích) trong các Phần, Chương
Nếu dựa vào mục 2 trên không phân loại được, thì mới áp dụng lần lượt các quy tắc tiếp theo.
Ví dụ: Chương 39 có tên “Plastic và các sản phẩm bằng plastic”. Nhưng mặt hàng đồ chơi trẻ em bằng nhựa không áp vào chương 39 này, mà áp vào chương 95.
Quy tắc áp mã HS 2
Chia thành 2 quy tắc nhỏ:
Quy tắc 2a:
"Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Qui tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời."
Ví dụ: Xe đạp thiếu yên xe, bàn đạp (chưa hoàn chỉnh) vẫn xếp mã xe đạp (87.12). Xe đạp tháo rời, vẫn phân loại vào mã xe đạp
Quy tắc 2b:
"Một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hóa làm toàn bộ bằng một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó được phân loại trong cùng nhóm. Việc phân loại những hàng hóa làm bằng hai loại nguyên liệu hay hai chất trở lên phải tuân theo Qui tắc 3."
Quy tắc áp mã HS 3
Khi áp dụng Qui tắc 2(b) hoặc vì bất cứ một lý do nào khác, hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm, thì sẽ phân loại như sau:
Quy tắc 3a:
"Những nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát khi thực hiện việc phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hóa đó."
Quy tắc 3b:
"Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo Qui tắc 3(a), thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng."
Quy tắc 3c:
"Khi hàng hóa không thể phân loại theo Qui tắc 3 (a) hoặc 3(b) nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét."
Quy tắc áp mã HS 4
Hàng hóa không thể phân loại theo đúng các Qui tắc trên đây thì được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.
Quy tắc áp mã HS 5
Những qui định sau được áp dụng cho những hàng hóa dưới đây:
Quy tắc 5a:
"Bao đựng máy ảnh, máy quay phim, hộp đựng nhạc cụ, bao súng, hộp đựng dụng cụ vẽ, hộp tư trang và các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng."
Quy tắc 5b:
"Ngoài Qui tắc 5(a) nêu trên, bao bì đựng hàng hóa được phân loại cùng với hàng hóa đó khi bao bì là loại thường được dùng cho loại hàng hóa đó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại bao bì mà rõ ràng là phù hợp để dùng lặp lại."
Quy tắc áp mã HS 6
"Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải được xác định phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm và các chú giải phân nhóm có liên quan, và các Qui tắc trên với những sửa đổi về chi tiết cho thích hợp, trong điều kiện là chỉ có những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được. Theo Qui tắc này thì các chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có những yêu cầu khác."
Trên đây là 6 quy tắc áp mã HS mà hiện nay đang áp dụng, và được quy định theo pháp luật hải quan.
Nếu bạn làm thủ tục hải quan, nhất là làm dịch vụ hải quan, thì việc hiểu và ứng dụng thành thạo 6 nguyên tắc áp mã HS nêu trên là một điều bắt buộc.
Xem thêm:
Hướng dẫn Tìm Nguồn Hàng Kinh Doanh Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ
Dịch vụ tìm nguồn hàng trọn gói Nguyên đức
ETA là gì? Các thông tin liên quan [cập nhật 2020]