News

News

Xuất khẩu những tháng cuối năm tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu những tháng cuối năm tăng trưởng ấn tượng

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10/2023 đã khởi sắc trở lại, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9/2023. Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 291,2 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, trong 10 tháng qua, có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 44,02 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 35,51 tỷ USD; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD; giày dép đạt 16,05 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam là nhóm hàng nông sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 26,7 tỷ USD, tăng trưởng 3,8% trong 10 tháng qua. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng ấn tượng như: rau quả đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% lần so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là mặt hàng gạo với sản lượng 7,1 triệu tấn, đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ sự thay đổi của kinh tế toàn cầu. Rõ rệt nhất là việc các nền kinh tế lớn, đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

“Hoạt động xuất khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm là những tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải dự báo.

Tận dụng FTA, mở cửa thêm thị trường xuất khẩu

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các thị trường xuất khẩu nói chung, nhất là thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa vẫn đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại.

Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2023 đạt 7,1 triệu tấn, đạt gần 4 tỷ USD. Ảnh minh họa
Xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2023 đạt 7,1 triệu tấn, đạt gần 4 tỷ USD. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các nước ngày một gia tăng. Đó là, yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu; các vấn đề về lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ và EU cũng là những khó khăn lớn.

Các chuyên gia khuyến nghị, trước những rủi ro, thách thức lớn chưa từng có mà hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Cùng với đó, doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin...

Đề cập về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, cam kết, liên kết thương mại mới nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Bộ cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng rau quả khác như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Song song đó, Bộ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

Để khai thác tốt những thị trường có FTA, doanh nghiệp xuất khẩu cần đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, cũng như đáp ứng sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang

  • Zalo
  • Hot line