News

News

Thị trường máy móc xây dựng hút nhà cung cấp ngoại

Thị trường máy móc xây dựng hút nhà cung cấp ngoại

Chi ngoại tệ lớn để nhập khẩu

Hàng năm, Việt Nam tiêu tốn vài chục tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng  phục vụ nhu cầu sản xuất, khai thác, đầu tư xây dựng, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, cho tới xây dựng, giao thông, khai thác mỏ…

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2022 dù giảm nhẹ 2,4% so với năm 2021, nhưng vẫn lên tới 45,1 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng nhóm máy móc, thiết bị phục vụ cho ngành xây dựng, trung bình mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 5-6 tỷ USD để nhập khẩu.

Các nhà cung cấp máy móc chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Bốn thị trường này chiếm khoảng 70% nguồn máy móc nhập khẩu của Việt Nam do giá cả cạnh tranh. Có thể thấy rõ điều này qua số liệu nhập khẩu trong năm 2022, khi Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá 24,29 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc với 6,24 tỷ USD, Nhật Bản với 4,29 tỷ USD.

Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho hay, chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch, nhưng trong năm 2022, ngành xây dựng vẫn đạt tăng trưởng 8 - 8,5%. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021, đồng nghĩa với sự sôi động của thị trường máy móc, thiết bị nhằm phục vụ cho đầu tư xây dựng các công trình, dự án.

Trong xu thế phát triển và cạnh tranh quốc tế ngay tại thị trường nội địa, các nhà thầu trong nước đã có sự chuyển mình về nhiều mặt thông qua đầu tư công nghệ, thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực thi công và quản lý. Sự phát triển của công nghệ, thiết bị giúp doanh nghiệp xây dựng nâng cao tính hiệu quả và chính xác trong thi công, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu, số lượng và chi phí nhân công…

“Nhu cầu nhập khẩu, cập nhật các loại máy móc, thiết bị mới cho ngành xây dựng dự báo sẽ tiếp tục tăng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành vào khoảng 6,5% trong năm 2023”, ông Nga thông tin.

Hút nhà cung ứng ngoại

Là thị trường tiềm năng trong mắt của các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị quốc tế, Việt Nam là địa điểm dừng chân của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp ngoại, nhằm tăng doanh số cung ứng máy móc, thiết bị cho các ngành sản xuất.

Công ty cổ phần Thiết bị Tín Quang (TQEQ) là đại lý ủy quyền chính thức, chuyên cung cấp thiết bị công trình thương hiệu Case (Mỹ) và một số hãng của Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, thị trường Việt Nam có sức hút lớn với các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị đặc thù, dẫu doanh thu có giảm nhẹ trong 2 năm qua do đại dịch, nhưng tín hiệu thị trường đang tốt lên.

Dấu hiệu thị trường khá lên thấy rõ nếu nhìn từ số lượng các doanh nghiệp ngoại đăng ký dự Triển lãm quốc tế chuyên ngành về máy móc, thiết bị xây dựng, công nghệ khai thác mỏ, phương tiện vận tải, vật liệu xây dựng (Contech Việt Nam 2023).

Chia sẻ về sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 4/2023, bà Lê Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ quốc tế Hà Nội (HADIFA), đơn vị tổ chức Triển lãm cho biết, rất bất ngờ với số lượng doanh nghiệp đăng ký tham dự đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc…

Bà Lan Anh kỳ vọng, với loạt máy móc, công nghệ mới được các doanh nghiệp nước ngoài mang đến Việt Nam, có thể giúp các doanh nghiệp trong nước đáp ứng tốt mục tiêu đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng công trình.

Một đơn vị tham gia Contech Việt Nam 2023 là Công ty TNHH Green Laser, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Senfeng (Trung Quốc) chuyên cung cấp các thiết bị, máy móc hỗ trợ cho ngành xây dựng như: máy cắt laser, máy hàn laser, máy phun phủ các loại cho biết, các dự án đầu tư trong ngành giao thông, xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ từ đầu năm, đồng nghĩa với sức tiêu thụ sản phẩm thiết bị, máy móc công trình có cơ hội tăng tốc.

“Từ cuối năm 2022, Tập đoàn Senfeng đã có kế hoạch trở lại Việt Nam để đẩy mạnh giao thương, gặp gỡ khách hàng đối tác, khai thác thị trường bài bản hơn sau khoảng thời gian đóng cửa chống dịch. Sự kiện giới thiệu các sản phẩm, thiết bị mới tại Contech Việt Nam 2023 mở màn cho việc trở lại này”, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Green Laser khẳng định.

Thị trường thiết bị, máy móc xây dựng, giao thông, khai thác mỏ tại Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu. Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều nhà sản xuất, cung ứng máy móc thiết bị quốc tế. Dự kiến, mức chi nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm 2023 sẽ tăng 3-6% so với năm 2022.   

  • Zalo
  • Hot line