Xuất nhập khẩu đạt gần 30 tỷ USD trong nửa đầu tháng 1/2024
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2024 (1-15/1/2024) đạt 29,79 tỷ USD.
XUẤT NHẬP KHẨU KHẢ QUAN NHỜ KINH TẾ PHỤC HỒI
So với cùng kỳ năm 2023, xuất nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 1/2024 tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,24 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tăng 3,3% (tương ứng tăng 488 triệu USD); nhập khẩu tăng 5,4% (tương ứng tăng 752 triệu USD).
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 đạt gần 15,09 tỷ USD, giảm 7,5% (tương ứng giảm 1,23 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 12/2023. Các mặt hàng xuất khẩu giảm so với nửa cuối tháng 12/2023 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 923 triệu USD (tương ứng giảm 29,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 330 triệu USD (tương ứng giảm 16,8%); hàng dệt may giảm 261 triệu USD (tương ứng giảm 16,8%)...
Chỉ trong nửa đầu tháng 1/2024, đã có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt hơn 2,86 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,246 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 1,29 tỷ USD, giảm 17,8%; còn xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt trên 1,63 tỷ USD, giảm 4,6%.
Từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2024 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 1,04 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 12/2023. Các nhóm hàng tăng đáng chú ý như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 508 triệu USD (tương ứng tăng 13,5%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 112 triệu USD (tương ứng tăng 32,1%); sắt thép các loại tăng 104 triệu USD (tương ứng tăng 24,8%)...
Trong kỳ 1 tháng 1/2024, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 384 triệu USD.
Kết quả trên cho thấy, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đã có xu hướng tích cực hơn. Sự phục hồi của một số nền kinh tế, trong đó có Mỹ, là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp các doanh nghiệp có thêm đơn hàng, xuất nhập khẩu theo đó cũng có tín hiệu khả quan hơn.
XUẤT KHẨU CÁ TRA MỤC TIÊU 2 TỶ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra sang các thị trường tháng 12/2023 đạt hơn 158 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng trong năm 2023 đầy khó khăn. Tính chung cả năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường năm 2023 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022.
Năm qua, Trung Quốc và Hồng Kong tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam, đạt 573 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường này đã tăng nhập khẩu các sản phẩm cá tra từ tháng 9/2023 và liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng sau đó. Tuy nhiên, tháng 12/2023 kim ngạch cá tra sang Trung Quốc giảm nhẹ 2% khiến tổng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kong giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương 21% so với cùng kỳ năm 2022, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng cuối năm 2023 đạt gần 20 triệu USD, giảm 15% so với tháng trước đó và chỉ cao hơn tháng 1, 2, và 7/2023 - các tháng ghi nhận sụt giảm sâu từ 43% - 81%.
Năm 2023, khối thị trường CPTPP nhập khẩu từ Việt Nam gần 249 triệu USD cá tra, giảm 24% so với năm 2022. CPTPP cũng là thị trường chứng kiến sụt giảm sâu về nhập khẩu cá tra trong năm 2023, tuy nhiên tín hiệu tăng trưởng đã quay trở lại trong quý cuối năm 2023.
Cụ thể, tháng 12/2023 giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường CPTPP đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Sau 5 năm, hiệp định CPTPP đã mở thêm nhiều cơ hội cho con cá tra Việt Nam đến gần hơn với từng bữa ăn của người tiêu dùng tại khối thị trường này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), năm 2023, xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn và lạm phát toàn cầu.
Bên cạnh đó, phân tích các dữ liệu về kinh tế toàn cầu năm 2024 và dự báo sức mua của các thị trường chủ lực, ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu: Diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2 tỷ USD.
Theo Vneconomy