Tin tức

Tin tức

10 Bước cơ bản trong quy trình thanh toán L/C cần biết

10 Bước cơ bản trong quy trình thanh toán L/C cần biết

Thanh toán bằng L/C là một trong những phương thức thanh toán quốc tế được ưa chuộng nhất hiện nay, tuy nhiên việc sử dụng phương thức thanh toán này khá phức tạp. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ nội dung L/C và quy trình thanh toán l/c. Ở bài viết này, tôi sẽ phân tích cụ thể về nội dung LC và quy trình thanh toán bằng LC để bạn tìm hiểu.

I. L/C là gì?

Phương thức tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận, trong đó theo yêu cầu của khách hàng ( Importer) yêu cầu mở L/C, một ngân hàng (ngân hàng phát hành L/C) phát hành một bức thư, theo đó Ngân Hàng phát hành (NHPH) cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho người hưởng ( Exporter) khi người này xuất trình được bộ chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản quy định của L/C.

Như vậy người mua, người bán và ngân hàng là những cá thể tham gia vào quá trình thanh toán bằng L/C. L/C được viết tắt bởi từ Letter of Credit. Ngoài ra còn có tên gọi khác là Documentary Letter of Credit để nhấn mạnh đến chứng từ và phương thức thanh toán.

L/C là một cam kết thanh toán có điều kiện của Ngân hàng. Vậy điều kiện của một L/C là gì?

Đối với người Nhập khẩu thì phải có đơn yêu cầu mở L/C được phát hành bởi người NK. Nhà NK phải có uy tín với ngân hàng và với các giao dịch đã có trước đó.Nhà NK phải có tài sản để thế chấp cho ngân hàng để tạo thành một cam kết, đảm bảo sẽ trả tiền cho NHPH.

Đối với nhà xuất khẩu ( hay người thụ hưởng) phải xuất trình bộ chứng từ phù hợp để nhận được thanh toán.

2.Quy trình thanh toán l/c

Quá trình thanh toán tín dụng chứng từ có thể được tóm tắt ở 10 bước sau đây:

Bước 1: Người nhập khẩu và người xuất khẩu tiến hành ký kết hợp đồng ngoại thương, trong đó quy định thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ.

Bước 2: Căn cứ vào hợp đồng ngoại thương đã ký, người nhập khẩu gửi đơn yêu cầu mở L/C đến Ngân hàng phát hành (thông thường ngân hàng này ở nước người nhập khẩu).
Thông thường khi mở L/C, người nhập khẩu phải ký quỹ để đảm bảo khả năng thanh toán. Số tiền ký quỹ tùy thuộc vào quan hệ, uy tín của người nhập khẩu theo đánh giá của ngân hàng và khả năng tín dụng mà ngân hàng cấp cho người nhập khẩu. Số tiền ký quĩ có thể từ 0% đến 100% tùy thuộc vào giá trị lô hàng cũng như yêu cầu của ngân hàng.

Bước 3: Ngân hàng phát hành (ngân hàng mở L/C) xem xét, nếu thấy hợp lý sẽ mở L/C và gửi thư tín dụng cho ngân hàng thông báo cho người xuất khẩu hưởng lợi.

Bước 4: Ngân hàng thông báo (thông thường ngân hàng này ở nước người xuất khẩu) gửi chứng từ thông báo cho người xuất khẩu.
Nếu thư tín dụng được gửi bằng telex thì ngân hàng thông báo sẽ tiến hành xác minh điện báo mở thư tín dụng và kiểm tra mã, sau đó chuyển bản chính đến cho người xuất khẩu dưới hình thức văn bản “Nguyên căn bức điện thư tín dụng”.
Nếu thư tín dụng được gửi đến bằng thư thì ngân hàng thông báo sẽ kiểm tra chữ ký, sau đó thông báo cho người xuất khẩu toàn bộ nội dung thông báo về việc mở thư tín dụng và khi nhận được bản gốc của thư tín dụng thì chuyển ngay cho người xuất khẩu.

Bước 5: Người xuất khẩu kiểm tra kỹ nội dung của thư tín dụng, nếu chấp nhận thì giao hàng cho người nhập khẩu (thông qua người vận tải), đồng thời lập bộ chứng từ thanh toán theo yêu cầu của thư tín dụng và gửi cho ngân hàng thông báo.
Nếu người xuất khẩu không chấp nhận thì yêu cầu cầu người nhập khẩu điều chỉnh L/C. Mọi nội dung sửa đổi đều phải có xác nhận của ngân hàng mở thư tín dụng thì mới có hiệu lực. Văn bản sửa đổi trở thành một bộ phận cấu thành không thể tách rời thư tín dụng cũ và cũng không thể hủy bỏ thư tín dụng cũ.

Bước 6: Ngân hàng thông báo gửi tiền hàng cho người xuất khẩu khi đã nhận đủ chứng từ phù hợp với quy định của L/C để nhận hàng.

Bước 7: Ngân hàng thông báo chuyển bộ chứng từ hợp lệ cho ngân hàng mở L/C.

Bước 8: Ngân hàng phát hành kiểm tra bộ chứng từ và thông báo kết quả kiểm tra cho người nhập khẩu. Nếu thấy phù hợp với thư tín dụng thì ngân hàng mở L/C trả tiền hàng cho ngân hàng thông báo và gửi bộ chứng từ nhận hàng cho người nhập khẩu. Nếu không phù hợp thì ngân hàng mở L/C từ chối trả tiền và gửi trả lại bộ chứng từ cho người xuất khẩu.

Bước 9: Người nhập khẩu nhận bộ chứng từ nhận hàng từ ngân hàng mở L/C và kiểm tra bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp thì thanh toán tiền hàng cho ngân hàng, nếu thấy không phù hợp thì có quyền từ chối thanh toán.

Bước 10: Người nhập khẩu xuất trình bộ chứng từ cho người vận tải để nhận hàng

Như vậy, thông qua 10 bước trong quy trình thanh toán l/c, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ đã được thực hiện. Trong quá trình thanh toán tín dụng chứng từ, ngân hàng đã đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo người xuất khẩu sẽ thu được tiền và người nhập khẩu nhận được hàng nếu hai bên tôn trọng những điều đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại quốc tế.

  • Zalo
  • Hot line