Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm của các chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo Tech Collective, Trung Quốc luôn là nhà cung cấp linh kiện công nghệ lớn nhất và đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Apple, Samsung và LG Electronics. Tuy nhiên, sau COVID-19, đã có nhiều thay đổi đáng kể, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất cho các công ty này. Ngoài ra, vì để ngăn chặn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đang thực thi nhiều chính sách làm giảm sự sôi động của nền kinh tế. Chính điều này đã góp phần tạo ra cơ hội cho Việt Nam phát triển như một trung tâm của chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc chuyển hướng quốc gia sang chú trọng sản xuất cũng có thể thu hút các nhà đầu tư tăng nguồn vốn vào ngành công nghệ logistics Việt Nam. Việt Nam là quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi 6% GDP mỗi năm vào lĩnh vực này, cao hơn 2,3% so với mức trung bình của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn tồn tại một vài nhược điểm, chẳng hạn như chi phí cao và sự kém hiệu quả trong trung chuyển hàng hóa - đòi hỏi các ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lĩnh vực logistics và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
XU HƯỚNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI)
Gã khổng lồ công nghệ Apple hiện đang sản xuất iPad tại Việt Nam đồng thời cũng đang xem xét sản xuất Apple Watch và Macbook “made in Vietnam” đầu tiên. Điều này đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp địa phương hợp tác trong chuỗi cung ứng các sản phẩm của Apple. Ngoài ra, Apple dường như cũng sẵn sàng phát triển mô hình “Trung Quốc cộng với Việt Nam”, chứng tỏ Việt Nam rất có khả năng sẽ thu được lợi nhuận từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Ảnh: Internet
Các công ty đa quốc gia như Samsung đã làm việc với các công ty địa phương từ năm 2013, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra đang thúc đẩy gã khổng lồ công nghệ này chuyển đổi hợp tác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cố gắng xác định vị trí chiến lược của mình để hưởng lợi từ những phát triển này. Cụ thể, Apple đã nâng hệ sinh thái chuỗi cung ứng lên 21 nhà cung cấp tại Việt Nam, so với con số 14 của năm 2018. Con số này thậm chí còn cao hơn so với tình hình của Thái Lan (chỉ có 15 nhà cung cấp) và Ấn Độ (9 nhà cung cấp). Quyết định này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tham gia đáng kể vào chuỗi giá trị chung toàn cầu.
Đã gần 4 thập kỷ kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên thực hiện chính sách “Đổi mới” để mở cửa nền kinh tế. “Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là không lựa chọn nền kinh tế khép kín, mà kiên định theo hướng Đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong một phát biểu.
Sự thay đổi chính sách này cho thấy Việt Nam mong muốn trở thành một người bạn tốt, một đối tác tin cậy và một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta muốn được góp phần giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu trong sứ mệnh biến thế giới thành một hành tinh hòa bình, hợp tác và bền vững. Rõ ràng Việt Nam đang mở cửa cho FDI và các quy định của chính phủ liên quan đến đầu tư cũng ngày càng trở nên thuận lợi hơn cho các đối tác quốc tế tiềm năng.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 125 tỷ USD, trong đó ngành điện tử, máy tính và linh kiện máy tính đạt 50,8 tỷ USD. Lĩnh vực này chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vốn FDI vào ngành sản xuất và thị trường bất động sản cũng tăng đáng kể, với 245 tỷ USD và 65 tỷ USD, chiếm 75% tổng vốn cam kết lũy kế. Tính đến tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) của Việt Nam báo cáo các dự án FDI đạt trị giá 19,74 tỷ USD với những cái tên có thể nhắc đến như LG, LEGO Group, Samsung và các nhà sản xuất lớn khác.
NHỮNG THAY ĐỔI VỀ CÔNG NGHỆ VÀ LUẬT PHÁP
Trong cuộc chiến chống lại những khiếm khuyết về cơ sở hạ tầng, LogTechHub, một nhà cung cấp phần mềm hàng đầu của Việt Nam về giao nhận hàng hóa, vận chuyển, kho hàng, bưu kiện chuyển phát nhanh và các dịch vụ hậu cần khác, đã đưa ra Hệ thống Quản lý Vận tải Xuất sắc. Hệ thống này là một phần mềm hậu cần đa dịch vụ, đa tiền tệ nhằm giải quyết những thách thức hiện có mà các công ty hậu cần phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Việt Nam thúc đẩy đổi mới công nghệ logistics, (Ảnh: Internet)
Để thể hiện sự ủng hộ với xu hướng số hóa, ngày 22/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền sửa đổi Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Kế hoạch hành động thực hiện trên tinh thần chào đón đầu tư nước ngoài và sự gia nhập của các doanh nghiệp quốc tế vào lãnh thổ kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng cung cấp một lực lượng lao động có kỹ năng nhưng chi phí lao động cạnh tranh và cơ sở hạ tầng thuận lợi. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU năm 2019 cũng là bước đệm để một trung tâm chuỗi cung ứng tiềm năng như Việt Nam trở thành bánh răng quan trọng trong lĩnh vực hậu cần toàn cầu. Sự ổn định kinh tế - chính trị trong nước cũng là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp nước ngoài cân nhắc khi đưa ra các quyết định hợp tác đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng thể hiện ý định đầu tư đáng kể vào ngành công nghệ hậu cần. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng sức mạnh ngoại giao để xây dựng các mối quan hệ toàn cầu bền chặt với các quốc gia quan trọng. Và dĩ nhiên, điều này sẽ giúp bối cảnh logistics của nước nhà có cơ hội phát triển hơn nữa.